Làm gì để chăm sóc xương khớp ở người cao tuổi?
Ở độ tuổi 60 trở lên với sự lão hoá tự nhiên, cơ thể rất dễ gặp các vấn đề về xương khớp làm suy giảm khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống. Các bệnh xương khớp thường gặp ở người cao tuổi là: Loãng xương, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối... Chất lượng xương và sụn khớp suy giảm theo thời gian. Sụn khớp bị mòn dần đi, làm giảm độ linh hoạt của các khớp, đi lại khó khăn. Ở phụ nữ cao tuổi sự suy giảm nội tiết tố nữ làm hạn chế khả năng hấp thụ canxi vào xương, dễ dẫn đến loãng xương hơn ở nam giới. Những người đã từng có chấn thương xương khớp, béo phì, mắc các bệnh về chuyển hóa cũng ảnh hưởng đến khớp xương khi về già.
Người cao tuổi có thể bị đau xương khớp ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Những cơn đau triền miên khiến người bệnh trở nên mệt mỏi, mất ngủ, lo âu, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Bệnh xương khớp ở người cao tuổi tuy là điều khó có thể tránh được nhưng chúng ta có thể kìm hãm được quá trình lão hoá để đạt được sức khỏe tuổi già dẻo dai nhất. Vậy làm thế nào để chăm sóc xương khớp cho người cao tuổi?
Tập thể dục hàng ngày
Việc duy trì vận động thường xuyên với các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, tập dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền giúp cải thiện sự linh hoạt, dẻo dai và giảm đau nhức xương khớp. Con cái nên khuyến khích, động viên cha mẹ thực hiện các bài tập này ít nhất 30-45 phút mỗi ngày để duy trì sức khỏe xương khớp. Tránh mang vác sai tư thế và các động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo, đứng nhiều, lắc tay,... Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng để không gây thêm tổn thương cho hệ xương khớp.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ hợp lý
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ xương khớp. Cần chú ý cung cấp đủ canxi và vitamin D thông qua các thực phẩm như sữa, hải sản, tôm, cua, cá và rau xanh. Ngoài ra, việc bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, hạt chia,... cũng có thể giảm viêm nhiễm và đau khớp. Chú ý duy trì lượng nước cần thiết hàng ngày để giữ cho các khớp linh hoạt và giảm nguy cơ bị co cứng.
Ngoài ra, người cao tuổi hạn chế các loại thực phẩm không tốt như đồ nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp, nước ngọt, rượu bia… Kiêng muối trong chế độ ăn hàng ngày để tránh bệnh loãng xương.
Thực hiện lối sống lành mạnh
Ngủ đúng giờ và đủ giấc, tránh căng thẳng quá mức là cách giúp người cao tuổi giảm các cơn đau nhức do bệnh xương khớp. Đặc biệt, nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt vì thuốc lá không chỉ làm cho các cơn đau xương khớp trở nên nặng hơn mà còn gây nên hàng loạt những vấn đề sức khỏe liên quan đến phổi, tim mạch, gan, tụy, dạ dày,...
Giữ cân nặng ở mức phù hợp
Ăn uống điều độ - tập thể dục đều đặn để giữ mức cân nặng vừa phải giúp giảm áp lực lên xương khớp, đặc biệt là ở đầu gối và hông, giảm đau xương khớp và phòng ngừa các bệnh lý xương khớp khác.
Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
Không khí lạnh cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các cơn đau nhức xương khớp ở người cao tuổi. Vì thế, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi trời lạnh để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến xương khớp. Có thể uống trà nóng, nước lọc ấm,... để giúp cơ thể ấm hơn.
Theo dõi sức khỏe thường xuyên
Nên đưa người cao tuổi đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng xương khớp. Việc phát hiện sớm các vấn đề về xương khớp sẽ giúp có những biện pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Massage và vật lý trị liệu
Massage nhẹ nhàng có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tuần hoàn máu, giảm đau nhức xương khớp. Vật lý trị liệu cũng là một phương pháp hữu ích để cải thiện chức năng vận động và giảm đau.
Tham khảo các sản phẩm bảo vệ & tăng cường sức khỏe xương khớp tại đây