Bí quyết vượt qua trầm cảm sau sinh ai cũng cần biết
Trầm cảm sau sinh là một tình trạng tâm lý mà nhiều phụ nữ phải đối mặt sau khi sinh nở. Sự thật đáng sợ về trầm cảm sau sinh không chỉ ẩn chứa trong những triệu chứng khó chịu mà còn ở những hậu quả tiềm ẩn mà nó có thể gây ra cho người mẹ và gia đình. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về trầm cảm sau sinh và cách vượt qua nhé!
Trầm cảm sau sinh tại sao ngày càng phổ biến?
Chắc hẳn trầm cảm không còn là chứng bệnh xa lạ với chúng ta khi số lượng người mắc đang tăng lên nhanh chóng, trong đó phụ nữ sau sinh là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh. Trầm cảm sau sinh khiến người phụ nữ sau sinh gặp phải nhiều vấn đề tâm lý, cảm xúc như: rối loạn cảm xúc, cảm giác mệt mỏi, buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, lo lắng,... Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, nếu chỉ ở mức độ nhẹ, bệnh có thể tự khỏi nhưng rất nhiều trường hợp nặng không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo thống kê, tỉ lệ mắc trầm cảm sau sinh hiện nay đạt tới 15% trong 3 tháng đầu tiên, tăng lên tới 25% trong vòng 12 tháng đầu sau sinh. Có thể thấy, tỉ lệ mắc bệnh là rất cao, thực tế đã có nhiều trường hợp do phát hiện chậm trễ, thiếu sự quan tâm của chồng và gia đình khiến mẹ bị trầm cảm sau sinh gặp phải hậu quả nặng nề cho cả mẹ và bé.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh thường gặp
Nguyên nhân chính xác dẫn đến trầm cảm sau sinh hiện vẫn chưa xác định và kết luận. Bệnh tâm lý này ở mỗi người có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như tinh thần, thể chất hay tâm lý. Dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến nhất được cho là dẫn đến căn bệnh trầm cảm sau sinh:
Nguyên nhân do thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể đột ngột
Trong quá trình mang thai, cả hai hormone estrogen và progesterone trong cơ thể mẹ bầu đều ở mức cao nhưng chỉ sau khi sinh, nồng độ sẽ giảm mạnh đột ngột. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, giống như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do hormone thay đổi mỗi chu kỳ kinh nguyệt nhưng nghiêm trọng và kéo dài hơn.
Nguyên nhân do yếu tố cảm xúc tiêu cực
Sinh con là niềm hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ, tuy nhiên có nhiều yếu tố dẫn đến tâm lý tiêu cực sau sinh như: mang thai và sinh con ngoài ý muốn, sự thay đổi của cơ thể, sức khỏe khi chăm sóc con, sự thiếu quan tâm của chồng và gia đình,... Nhất là những mẹ sau sinh hồi phục sức khỏe kém, bé gặp phải vấn đề sức khỏe, phải điều trị dài ngày trong bệnh viện thì mẹ rất dễ trải qua những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản, tức giận, có lỗi,...
Nguyên nhân do mệt mỏi
Mệt mỏi sau sinh là thường gặp, đây là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp như: thay đổi hormone, áp lực chăm sóc con, đau đớn và thay đổi cơ thể sau sinh,... Người phụ nữ sẽ phải mất hàng tuần đến hàng tháng trời để hồi phục sức khỏe, năng lượng trở về mức bình thường. Những mẹ phải sinh bằng phương pháp mổ sẽ mệt mỏi dài hơn, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý.
Nguyên nhân do yếu tố gia đình, cuộc sống
Mang thai và sinh con là giai đoạn quan trọng của người phụ nữ, họ cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực tinh thần. Nếu không có sự giúp đỡ từ người chồng, gia đình, bạn bè,... hoặc phải trải qua sự kiện căng thẳng như thay đổi nơi ở, người thân mắc bệnh hay qua đời,... thì nguy cơ trầm cảm sẽ cao hơn.
Mỗi mẹ sau sinh bị trầm cảm lại do những nguyên nhân khác nhau gây ra, sự hỗ trợ của bác sĩ và gia đình là rất quan trọng để mẹ trải qua giai đoạn khó khăn này.
Triệu chứng trầm cảm sau sinh
Các triệu chứng thường gặp của trầm cảm sau sinh bao gồm:
-
Cảm giác buồn bã, khóc nhiều hơn bình thường.
-
Mất hứng thú với hoạt động hàng ngày, kể cả việc chăm sóc con cái.
-
Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
-
Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
-
Cảm giác tức giận, cáu kỉnh hoặc lo lắng không lý do.
-
Tự trách móc, cảm thấy bản thân không xứng đáng.
- Suy nghĩ về tự tử hoặc làm hại bản thân hoặc con cái.
Làm sao để vượt qua trầm cảm sau sinh?
-
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý: Liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn về liệu pháp tâm lý, như hội thoại nhóm hoặc trị liệu cá nhân.
-
Sử dụng thuốc chống trầm cảm: Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm để giúp cải thiện tâm trạng và giảm triệu chứng.
-
Tập luyện thể dục: Vận động thường xuyên giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tổng thể.
-
Chăm sóc bản thân: Đừng quên dành thời gian cho bản thân, như thư giãn, ngủ đủ giấc và ăn uống cân bằng.
- Nói chuyện với người thân: Chia sẻ tâm sự với người thân sẽ giúp giảm bớt nỗi lo và tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết.
Trầm cảm sau sinh là một thách thức đáng sợ mà nhiều phụ nữ phải đối mặt sau khi sinh. Việc hiểu rõ về trầm cảm sau sinh cũng như sự quan tâm từ chồng và gia đình sẽ giúp người mẹ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này và hồi phục sức khỏe tâm lý. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia, gia đình và bạn bè, cũng như áp dụng các phương pháp tự chăm sóc bản thân để đối phó với trầm cảm sau sinh. Bằng cách này, người mẹ có thể tận hưởng niềm vui làm mẹ trọn vẹn và mang đến một môi trường tốt nhất cho sự phát triển của con cái.